Trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là yếu tố quan trọng mà còn là yếu tố sống còn để đất nước vươn lên và thực thi tầm nhìn quốc gia số. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, với những mục tiêu bứt phá về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khoa học công nghệ đã đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ của các cơ quan, doanh nghiệp và các trường đại học trong việc đào tạo và phát triển nhân lực chiến lược.
Ngày 07/5, Học viện Kỹ thuật mật mã đã tham gia Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, được tổ chức bởi Tập đoàn FPT phối hợp các Bộ, Ban, Ngành và các trường Đại học.
Lễ ký kết liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Đại diện 5 Học viện, Đại học và trường Đại học hàng đầu đã tham gia ký kết gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT.
Học viện KTMM tham gia Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, Liên minh góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách.
Trả lời báo chí về tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn nhân lực an toàn bảo mật thông tin trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57 và việc đổi mới chương trình đào tạo để kỹ sư công nghệ có thể đồng hành hiệu quả cùng các cơ quan Chính phủ, địa phương thực thi Nghị quyết. PGS.TS. Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện KTMM nhấn mạnh Học viện KTMM, trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ (Ban CYCP), là trung tâm đào tạo duy nhất trong cả nước được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về Kỹ thuật mật mã và An toàn thông tin (ATTT) của Cơ yếu, phục vụ Quốc phòng, An ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Trải qua quá trình hơn 20 năm đào tạo ngành ATTT, với sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chương trình như Đề án 99, Học viện đã đào tạo hơn 5000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ ATTT. Hiện tại nguồn nhân lực do Học viện đào tạo đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện nay, Học viện là cơ sở đào tạo tiên phong và duy nhất trong cả nước có đầy đủ các bậc đào tạo từ trình độ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực bảo mật và ATTT.
Trước tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực đảm bảo ATTT cả về số lượng và chất lượng, trong thời gian qua, Học viện đã tham mưu cho Chính phủ, Quân đội, Ban CYCP nhiều giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực mật mã và ATTT. Thực hiện Nghị quyết 56-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, dưới sự chỉ đạo của Ban CYCP, Học viện đã xây dựng Đề án và được Chính phủ phê duyệt, trong Đề án đã xác định nhiều giải pháp đột phá nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

PGS.TS. Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện KTMM trả lời báo chí tại buổi Tọa đàm
Bên cạnh đó, trước tình hình phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới hiện nay, các hình thức tấn công vào mạng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, đặc biệt Nghị quyết 57-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. An ninh thông tin đóng vai trò then chốt trong quá trình này, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của các chiến lược chuyển đổi. Điều này đòi hỏi các kỹ sư ATTT phải am hiểu sâu về công nghệ, làm chủ các công nghệ số, không gian mạng, có tư duy quản trị... Do đó, Học viện đã chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ và nhu cầu thực tiễn. Định hướng đào tạo kỹ sư ATTT không chỉ yêu cầu nắm vững các công nghệ lõi liên quan đến chuyển đổi số và ATTT mà còn phát triển tư duy quản trị số, giúp họ có khả năng tham mưu cho các Bộ, Ngành trong việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển hệ thống số an toàn, bền vững. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo, nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên sát với yêu thực tiễn thông qua việc triển khai các dự án của doanh nghiệp và phối hợp diễn tập với các cơ quan, tổ chức trên các hệ thống mạng thực tế.
Học viện KTMM đánh giá cao sự ra đời của Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hợp tác giữa các bên liên quan, với những ưu điểm riêng biệt. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích lớn, góp phần tạo động lực cho quốc gia tiến bước vững chắc và bền vững
Tin từ HV