Ngày 27/3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung." Hội thảo do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức ngay trước thềm Nghị quyết về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung, dự kiến được ban hành ngày 1/4/2025.
Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025.
Trên tinh thần đối thoại đa chiều, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo đã chia sẻ về lợi ích của việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung và các vấn đề cần tháo gỡ trước khi triển khai thí điểm sàn giao dịch trên các góc độ pháp lý - tài chính - công nghệ.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhằm thảo luận về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung tại Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã – Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: “Việc cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hoá, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hoá; Cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá; Quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy và minh bạch của thị trường. Ba vấn đề này cần được quy định trong các văn bản pháp lý mà trước mắt là Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung”.
Phiên thảo luận tại hội thảo đề cập đến những thách thức pháp lý, tài chính và công nghệ trong việc quản lý và vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa
Ban Cơ yếu Chính phủ với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về mật mã dân sự. Đến nay, Ban đã tham mưu và trình cấp có thẩm quyền ban hành trên 40 tiêu chuẩn quốc gia và 3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mật mã dân sự, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc quản lý và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mật mã trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các sàn giao dịch tài sản số.
Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý cho tài sản số và tiền kỹ thuật số, việc thiết lập các tiêu chuẩn bảo mật và an toàn thông tin là yếu tố then chốt.