Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ảnh minh họa. nguồn ảnh: Internet
Khoảnh khắc lịch sử, khi ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của Dân tộc Việt Nam công bố. Từ đây khởi đầu cho một giai đoạn mới, một hành trình vĩ đại của Dân tộc Việt Nam. Cho tới tận hôm nay và mãi mãi sau này, ngày quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2/9 vẫn mang đậm những giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sáng chói của cả Dân tộc Việt Nam.
Hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại cuộc hành trình từ ngày 2/9/1945 đến nay, chúng ta thấy tầm nhìn chiến lược và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó không chỉ là một bản tuyên bố thể hiện quyết tâm của một Dân tộc, mà còn là một kiệt tác văn hóa, một tài liệu pháp lý quan trọng mang giá trị vượt thời gian.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đặt nền móng cho việc thiết lập một Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc không chỉ là mong muốn của một dân tộc mà còn là khát vọng của cả nhân loại. Tuyên ngôn đã khơi nguồn sáng tạo, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nó cũng đóng góp cho sự nghiệp giải phóng của nhân loại, khởi đầu kỷ nguyên độc lập, tự do cho các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới [1].
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một bài diễn thuyết lịch sử, mà còn là một văn bản pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử nước ta. Với lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng hồn, đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của Dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập mở ra một thời kỳ mới cho Dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển.
Cuộc cách mạng mà Dân tộc Việt Nam đã giành được vào Tháng Tám năm 1945 không chỉ là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, mà còn là cột mốc quan trọng trong lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức. Đó là ngọn cờ đầu tiên của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm sâu xa hơn trong tư tưởng về quyền con người. Sự khẳng định Mọi người đều sinh ra bình đẳng, không chỉ áp dụng cho một dân tộc mà còn cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Điều này thể hiện tầm nhìn lớn lao, tư duy vượt thời đại lúc bấy giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã tạo nên một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Dân tộc Việt Nam mà còn đối với toàn cầu.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, một lần nữa Nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; Chính trị – xã hội ổn định; Quốc phòng, an ninh được giữ vững; An sinh xã hội được bảo đảm.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách [2].
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 vẫn luôn rực sáng và trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ của toàn Dân tộc Việt Nam. Nhờ vào những nguyên tắc và tầm nhìn đó, Dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao gian khổ, thách thức để xây dựng và bảo vệ độc lập, tự do, và hạnh phúc. Các thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt những năm qua là minh chứng sống cho sự tương thân, tương ái và lòng dũng cảm của mỗi người con Việt Nam.
Hiện nay, trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục con đường đổi mới toàn diện và phát triển bền vững. Tương lai sẽ nhiều cơ hội và thách thức, để tận dụng và phát huy tốt nhất những cơ hội đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần đoàn kết một lòng, với quyết tâm cao, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi công dân Việt Nam có trách nhiệm duy trì tinh thần đổi mới, đồng bộ hóa trong công cuộc phát triển, để đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
78 năm đã trôi qua, nhưng thông điệp của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử. Đó là tình yêu quê hương, độc lập, tự do và lòng dũng cảm của Nhân dân Việt Nam. Trong hành trình phấn đấu, với sự đoàn kết và quyết tâm cao, chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa những mục tiêu cao cả mà Tuyên ngôn Độc lập đã đề ra. Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, đồng thời đó là nền tảng vững chắc để chúng ta phấn đấu thời gian tới.