Đồn Pha Long - một địa danh nhỏ bé trên bản đồ Tổ quốc đã trở thành biểu tượng bất tử cho tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính Việt Nam. Tại đây, những chiến sĩ Cơ yếu đã thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là mã hóa và truyền tải thông tin, đảm bảo sự liên lạc thông suốt giữa các đơn vị. Bức điện cuối cùng của các chiến sĩ đồn Pha Long được gửi đi trước lúc hy sinh đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, cũng là một người lính từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong một lần ghé thăm phòng truyền thống ngành Cơ yếu khi đọc bức điện mật cuối cùng trên đồn Pha Long đã thôi thúc tác giả sáng tác ca khúc này. Ông chia sẻ: "Khi đọc bức điện cuối cùng của đồn Pha Long, tôi như thấy mình trở lại những ngày tháng ấy, cảm nhận được nỗi đau, sự hy sinh của những người đồng đội".
Bức điện cuối cùng của các chiến sĩ đồn Pha Long được gửi đi trước lúc hy sinh đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc
Ca khúc Mật mã Pha Long là lời tri ân sâu sắc gửi đến những anh hùng thầm lặng. Đặc biệt, câu hát "Tận hiến lặng lẽ chiến công, tận trung son sắt ghi lòng" đã chạm đến trái tim của người nghe, gợi lên những cảm xúc sâu sắc về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết và tôn vinh sự hy sinh cao cả của những người lính Cơ yếu.
"Mật mã Pha Long" không chỉ là một ca khúc hay mà còn là một bài học lịch sử sâu sắc. Ca khúc đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của những người lính Cơ yếu, về những hy sinh thầm lặng của họ. Ca khúc "Mật mã Pha Long" còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.