Tối 30/5/2024 tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Quỹ Vifotec - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam lần thứ 29 và Giải thưởng WIPO năm 2023.
Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các nghiên cứu được ứng dụng thực tế của các nhà khoa học trong cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.
Giải thưởng được xét và trao cho các công trình thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Cơ khí và tự động hóa; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Cho đến nay đã có khoảng hơn 3.000 công trình tham gia và hơn 950 công trình đạt giải. Các công trình được chọn trao giải dựa trên các tiêu chí là tính mới, sáng tạo, hiệu quả kinh tế - xã hội - kỹ thuật và khả năng áp dụng rộng rãi.
Trong số 47 công trình tiêu biểu được nhận giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo module bảo mật phần cứng (HSM) ứng dụng trong các hệ thống bảo mật và xác thực thông tin” của nhóm tác giả TS. Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, ThS. Trần Sỹ Nam, TS. Phạm Mạnh Tuấn và các cộng sự đến từ Ban Cơ yếu Chính phủ đã vinh dự đoạt Giải Nhì lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông.
Công trình đã nghiên cứu phát triển thành công các thiết bị HSM (Hardware Security Module) hỗ trợ hai giao tiếp phổ thông hiện nay là USB và Ethernet. Công trình đã tự chủ hoàn toàn trong thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng cũng như phần mềm và các tiện ích đi kèm; tích hợp thành công các thuật toán, lược đồ mật mã có độ an toàn cao đã được chuẩn hóa trong các bộ chuẩn được ban hành bởi các tổ chức có uy tín trên thế giới như ISO, NIST, BSI, cũng như các thuật toán giao thức, lược đồ, tham số mật mã riêng của Việt Nam; sản phẩm của công trình cũng đã được tích hợp nhiều giải pháp an ninh, an toàn như: chống bức xạ điện từ trường; chống bức xạ theo đường nguồn; tự hủy dữ liệu nhạy cảm khi can thiệp vật lý; cơ chế bảo vệ, sao lưu, khôi phục khóa mật mã; cơ chế xác thực mạnh đối với người quản trị và người sử dụng; kiểm toán, thống kê việc sử dụng các tác vụ mật mã.
Nhóm nghiên cứu nhận giải Nhì
Bên cạnh sản phẩm chính là các thiết bị HSM hiện đã được triển khai sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng như khu vực kinh tế xã hội trong thời gian vừa qua, quá trình tổ chức triển khai công trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã trích xuất từ các kết quả và công bố được 4 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin; góp phần đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực công trình đã nghiên cứu.
Với việc tổ chức triển khai thực hiện thành công công trình nghiên cứu đã khẳng về khả năng làm chủ và tự chủ về công nghệ và mật mã trong thiết kế chế tạo các sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin nói chung và các sản phẩm mật mã công nghệ cao nói riêng của Việt Nam, thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phong trào “Make in VietNam”.
Sản phẩm của công trình góp phần đảm bảo cho thông tin được trao đổi, xử lý, lưu trữ trên các hệ thống thông tin được bảo mật, chính xác, kịp thời, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đem lại những lợi ích đáng kể về chính trị, kinh tế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một số thông tin về nhóm tác giả của Công trình:
Tác giả: Hoàng Văn Thức
Chức vụ, đơn vị công tác: Giám đốc, Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Học vị: Tiến sĩ, chuyên ngành "Đảm bảo toán học cho máy tính và hệ thống tính toán".
Đồng tác giả: Phạm Mạnh Tuấn
Chức vụ, đơn vị công tác: Giám đốc, Công ty TNHH MTV 129, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Học vị: Tiến sĩ, chuyên ngành "Kỹ thuật điện tử".
Đồng tác giả: Trần Sỹ Nam
Chức vụ, đơn vị công tác: Chủ nhiệm bộ môn, Viện Khoa học - Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Học vị: Thạc sĩ, chuyên ngành "Kỹ thuật mật mã".
Theo kinhtedothi