Toàn cảnh sự kiện
Tham dự Khai mạc Trường thu về An ninh mạng năm 2023 có: PGS,TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã; PGS,TS. Bùi Thu Lâm, Giảng viên Học viện Kỹ thuật mật mã, Tổng thư ký Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam cùng sự có mặt của các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu đến từ các viện, trường nổi tiếng như Viện Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Đại học Waseda (Nhật Bản) và Đại học Lorraine (Pháp); Các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực bảo mật và an ninh mạng trong nước. Bên cạnh đó, sự kiện cũng thu hút sự tham gia của các học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ Học viện Kỹ thuật mật mã và các Trường đào tạo về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, điện tử viễn thông trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Trường thu, PGS,TS. Bùi Thu Lâm cho biết sự kiện được tổ chức nằm trong hoạt động triển khai hợp tác giữa Học viện Kỹ thuật mật mã và Viện Công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Thông qua sự kiện lần này, các sinh viên, cán bộ nghiên cứu sẽ được cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực an ninh mạng và mật mã. Ngoài ra, Trường thu 2023 còn tạo ra một diễn đàn học thuật để sinh viên, giảng viên của Học viện Kỹ thuật mật mã nói riêng và các học giả từ tất cả các tổ chức liên quan ở Việt Nam nói chung cùng nhau trao đổi ý tưởng và hướng nghiên cứu cũng như với các giảng viên ưu tú ở nước ngoài. PGS,TS. Bùi Thu Lâm cũng gửi lời cảm ơn tới các Giáo sư đến từ Nhật Bản, Cộng hoà Pháp đã nhận lời mời đến tham gia giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm tại sự kiện lần này.
Mở đầu Trường thu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên đã được tiếp cận bài giảng đầu tiên “Đánh giá thiệt hại của khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai bằng Radar Synthetic Aperture” (Damage assessment of areas affected by natural disasters with Synthetic Aperture Radar) do Giáo sư Hideomi Gokon đến từ Viện JAIST trình bày. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, thảm hoạ thiên tai đang ảnh hưởng sâu sắc tới các quốc gia, các tổ ứng phó thiên tai gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về khu vực xảy ra thiên tai do mạng lưới thông tin và truyền thông bị gián đoạn. Bài giảng trình bày nghiên cứu hướng tới phát triển kỹ thuật viễn thám để đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra bằng Radar khẩu độ tổng hợp (SAR). Hệ thống SAR này quan sát bề mặt trái đất bằng cách đo sự thay đổi cường độ và pha của vi sóng phản xạ để phản ứng với vi sóng truyền từ vệ tinh. Kết quả là hình ảnh SAR được tạo ra từ tín hiệu phản xạ. Các giá trị pixel có một số ý nghĩa vật lý đối với bề mặt trái đất và giúp đánh giá mức độ thiệt hại trên bề mặt trái đất bằng cách phát hiện và phân tích những thay đổi trong hình ảnh SAR trước và sau thảm hoạ. Công nghệ viễn thám vệ tinh, cho phép thu thập thông tin thảm họa từ xa trên diện rộng, dự kiến sẽ đóng góp đáng kể trong các tình huống xảy ra thảm hoạ, thiên tai, khi mạng lưới thông tin bị gián đoạn và liên lạc bị cắt đứt.
Giáo sư Hideomi Gokon, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản trình bày bài giảng tại sự kiện
Từ ngày 15-17/10 tại Trường thu về An ninh mạng, Các giáo sư và chuyên gia sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thông qua các bài giảng tại sự kiện, đáng chú ý bao gồm: Bài giảng “Mật mã hậu lượng tử” (Post-Quantum Cryptograph) của Giáo sư Eiichiro Fujisaki, Viện JAIST; Bài giảng “Một cách tiếp cận điểm bằng chứng để xác minh chính thức giao thức bảo mật” (A proof score approach to security protocol formal verification) của Giáo sư Kazuhiro Ogata, Viện JAIST; Bài giảng “Kỹ thuật phần mềm và Trí tuệ nhân tạo trong phân tích mã độc” (Software Engineering meets Artificial Intelligence at Malware Analysis) của Giáo sư Mizuhito Ogawa, Viện JAIST. Bài giảng “Ứng dụng của các chương trình xác minh và kỹ thuật tổng hợp chương trình về bảo mật, và không can thiệp đến ReDoS” (Applications of program verification and synthesis techniques to security, from non-interference to ReDoS) của Giáo sư Tachio Terauchi, Đại học Waseda; Bài giảng “Khảo sát về hệ sinh thái Ransomware” (A survey on ransomware ecosystem) của Giáo sư Jean-Yves Marion, Đại học Lorraine (Pháp).
Giáo sư Mizuhito Ogawa, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản trình bày bài giảng tại sự kiện
Giáo sư Jean-Yves Marion, Đại học Lorraine (Pháp) trình bày bài giảng tại sự kiện
Sự kiện Trường Thu 2023 tổ chức tại Học viện Kỹ thuật mật mã đã thực sự trở thành một diễn đàn để các giảng viên, nhà khoa học trao đổi các vấn đề nghiên cứu hiện tại cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học tiềm năng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho sinh viên học tập với các giáo sư và chuyên gia quốc tế, qua đó giúp tiếp thu kiến thức và kỹ năng, thúc đẩy thực hành và nghiên cứu trong lĩnh vực bảo mật và an ninh mạng.