Sáng ngày 03 tháng 11 năm 2022, tại khuôn viên Học viện Kỹ thuật mật mã, Hội nghị khoa học Quốc gia lần thứ XV “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin” đã chính thức được diễn ra.
Toàn cảnh Hội nghị
Chủ đề của Hội nghị năm nay là “An toàn và bảo mật thông tin trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV”. Hội nghị là diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về những nghiên cứu và phát triển gần đây thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, an toàn, bảo mật thông tin, ngoài ra Hội nghị còn tạo cơ hội mở rộng mạng lưới nghiên cứu chiến lược giữa các trường Đại học và Học viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đại tá. TS. Nguyễn Hữu Hùng – Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tá. TS. Nguyễn Hữu Hùng – Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết “Học viện Kỹ thuật mật mã rất vinh dự và tự hào được Ban Chỉ đạo Hội nghị cấp Quốc gia tin tưởng và giao cho Học viện đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học cấp Quốc gia về Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin lần thứ XV năm 2022. Trong thời gian qua, Học viện đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Hội nghị và Ban Chương trình Hội nghị nhằm thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo các công tác chuẩn bị để hướng tới thành công chung của Hội nghị năm nay”.
Đặc biệt Ông Nguyễn Hữu Hùng cũng nhấn mạnh “Hội nghị FAIR 2022 là một diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo, bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ đồng thời đặt ra những yêu cầu đối với các nghiên cứu sinh và học viên cao học trong cả nước, đó là: Phải có những kết quả nghiên cứu, những công trình khoa học có chất lượng và thiết thực. Tại Hội nghị lần này, các nhà khoa học sẽ trình bày những thành quả học thuật, được lắng nghe những ý kiến phản biện và được trao đổi với các chuyên gia đến từ mọi miền đất nước về các lĩnh vực khoa học đổi mới hiện đại”. Ông Nguyễn Hữu Hùng bày tỏ mong muốn “Tôi mong rằng, tất cả chúng ta sẽ có nhiều trải nghiệm và thu hoạch được nhiều kiến thức mới, quan trọng hơn là có thêm được những lăng kính mới trong nghiên cứu và có những công bố khoa học bổ ích”.
Phiên toàn thể của Hội nghị có sự hiện diện của các nhà khoa học, nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực thuộc khuôn khổ Hội nghị, như:
- PGS.TS. Trần Đình Khang (Đại học Bách Khoa Hà Nội) với báo cáo mời “VỀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC THAM SỐ MỜ HÓA TRONG THUẬT TOÁN PHÂN CỤM MỜ”. Bài báo này trình bày về các thuật toán phân cụm mờ, phân cụm mờ bán giám sát với nhiều tham số mờ hóa. Các thuật toán được chứng minh tính hội tụ. Bài báo cũng đưa ra phương pháp xác định các tham số mờ hóa từ đặc trưng của bộ dữ liệu. Phần thực nghiệm minh chứng cho vai trò và sự ảnh hưởng của các tham số mờ hóa trong bài toán phân cụm.
- PGS.TS. Nguyễn Hiếu Minh (Viện Khoa học Công nghệ mật mã – Ban Cơ yếu Chính phủ) đến với Hội nghị với báo cáo mời “CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN TRƯỚC THÁCH THỨC CỦA MÁY TÍNH LƯỢNG TỬ”. Bài báo cáo này sẽ tập trung vào trình bày các vấn đề liên quan đến công nghệ Blockchain; Nguyên thủy mật mã trong Blockchain; Máy tính lượng tử và khả năng phá vỡ các nguyên thủy mật mã; Các thuật toán mật mã kháng lượng tử; Mật mã kháng lượng tử trong Blockchain. Đây đều là các vấn đề mới và phức tạp khi thực hiện nghiên cứu và triển khai.
- PGS. TS. Lê Sỹ Vinh (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) với báo cáo mời “NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG HỆ GEN NGƯỜI”. Bài báo cáo giới thiệu một số vấn đề quan trọng trong phân tích hệ gen liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Chúng tôi cũng giới thiệu các ứng dụng của phân tích hệ gen vào chẩn đoán một số bệnh di truyền có ảnh hưởng lớn đến xã hội như bệnh tự kỉ hay các bệnh ung thư để qua đó đưa ra các khuyến nghị về phòng tránh và chữa bệnh.
- PGS. TS. Đỗ Thanh Nghị (Trường CNTT-TT, Đại học Cần Thơ) với báo cáo mời “Giải Thuật Máy Học Véc-tơ Hỗ Trợ Cục Bộ Cho Tập Dữ Liệu Lớn”. Báo cáo đề xuất một lớp giải thuật huấn luyện các mô hình máy học véc-tơ hỗ trợ (Support Vector Machines - SVM) cục bộ xử lý hiệu quả các vấn đề phân lớp hoặc hồi quy trên tập dữ liệu lớn.
Hội nghị gồm 05 Tiểu ban báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực: khoa học dữ liệu; cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin; trí tuệ nhân tạo và ứng dụng; xử lý ảnh và thị giác máy tính; mật mã và an toàn an ninh mạng. Các Tiểu ban báo cáo chuyên đề bắt đầu làm việc từ 13h30 – 17h30 chiều ngày 03 tháng 11 năm 2022 và từ 08h00 – 11h10 sáng ngày 04 tháng 11 năm 2022.
Ban Tổ chức xin trân trọng gửi đến quý cơ quan thông tấn báo chí, quý độc giả thông tin về Hội nghị.
Xin trân trọng thông cáo!